Hướng dẫn cách đặt tên công ty, tên chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐẶT TÊN CHO CÔNG TY
Điều 31. Tên doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
2. Tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 32, 33 và 34 của Luật này, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp. Quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.
Điều 32. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Điều 33. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
2. Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp tại cơ sở của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
Điều 34. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
1. Tên trùng là tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
a) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”;
c) Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái tiếng Việt ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là công ty con của doanh nghiệp đã đăng ký;
e) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bằng các từ “miền bắc”, “miền nam”, “miền trung”, “miền tây”, “miền đông” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là công ty con của doanh nghiệp đã đăng ký.
Doanh nghiệp đặt tên như thế nào để không không bị trùng, gây nhầm lẫn, đặc biệt có thể tạo nên một thương hiệu mạnh? Niềm Tin Việt lưu ý một số điều cần biết khi doanh nghiệp đặt tên cho công ty mình:
1. Tên riêng của doanh nghiệp có thể là các chữ cái Latin, số tự nhiên:
Ví dụ:
Công ty TNHH ABCD
Công ty TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ SỐ 9
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VI & VI
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VIỆT NHẤT
2. Tên công ty viết bằng tiếng Anh là tên dịch chính xác từ tiếng Việt sang tiếng Anh:
Tên công ty viết bằng tiếng Việt: CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VIỆT NHẤT
Tên tiếng Anh: VIET NHAT INVESTMENT CONSULTANT COMPANY LIMITED
Tên viết tắt: VNIC CO.,LTD
3. Tên công ty viết tắt: Có thể viết tắt tên tiếng Việt hoặc tiếng Anh:
Viết tắt bằng tiếng Việt: CÔNG TY TƯ VẤN VIỆT NHẤT
Viết tắt bằng tiếng Anh: VIỆT NHẤT CO., LTD hoặc VNIC CO., LTD
Những công ty không trùng tên là các công ty không trùng hoàn toàn tên tiếng Việt, tiếng Anh hoặc viết tắt.
Ví dụ 3 công ty này trùng tên:
- CÔNG TY TNHH ACB với CÔNG TY CỔ PHẦN ACB với DNTN ACB (Không phân biệt loại hình công ty)
Ví dụ các công ty sau không trùng tên:
- CÔNG TY TNHH ACB
- CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ACB
- CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC ACB
- CÔNG TY TNHH TÀI CHÍNH ACB
- CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG ACB
Để kiểm tra tên công ty này đã có hay chưa vui lòng tra cứu tên công ty Tại Đây
B. TÊN CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
1. Tên chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được.
2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải mang tên doanh nghiệp đồng thời kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với đăng ký thành lập chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với đăng ký thành lập văn phòng đại diện, hình thức tổ chức của địa điểm kinh doanh.
VD: CHI NHÁNH CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VIỆT NHẤT
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VIỆT NHẤT
Hoặc: CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VIỆT NHẤT- Chi Nhánh TPHCM
3. Đối với những doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.
Chúng tôi cảm ơn các bạn đã theo dõi. Bạn cần tư vấn trực tiếp? hay đang gặp khó khăn về các thủ tục hành chính liên quan đến đặt tên công ty?… Đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi